Thương mại điện tử tiếp tục duy trì tăng trưởng 18-25%/năm
Năm 2024, tình hình phát triển kinh tế – xã hội cả nước nói chung và ngành Công Thương nói riêng diễn ra trong bối cảnh thế giới tiếp tục có những biến động lớn, khó lường với nhiều cơ hội, thách thức đan xen. Xu hướng phi toàn cầu hóa trỗi dậy, chính sách bảo hộ xuất hiện trở lại ở nhiều nước dưới nhiều hình thức khác nhau.
Tuy nhiên, đầu tư toàn cầu có xu hướng dịch chuyển mạnh sang lĩnh vực kỹ thuật số, các công ty đa quốc gia trong lĩnh vực kỹ thuật số đang phát triển nhanh và thay đổi bản chất của đầu tư, thương mại xuyên biên giới.
Trong khi đó, thương mại điện tử vẫn tiếp tục giữ tốc độ tăng trưởng gần gấp 3 lần so với tốc độ tăng trưởng của thương mại truyền thống trên toàn cầu, đóng góp khoảng 20% vào tổng doanh thu hàng hóa, dịch vụ bán lẻ vào năm 2024. Đông Nam Á tiếp tục là khu vực có tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử và kinh tế số cao nhất thế giới.
Ở trong nước, TMĐT Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng, đạt mức 18 – 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường TMĐT sớm vượt mốc 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm tỷ trọng khoảng 9% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.
Tỷ trọng về TMĐT chiếm 2/3 giá trị của nền kinh tế số Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của TMĐT, KTS Việt Nam tiếp tục tăng trưởng hai con số vững chắc, thuộc Top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng TMĐT hàng đầu thế giới, tạo động lực phát triển kinh tế số và dẫn dắt chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Cục TMĐT và KTS, dưới sự chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Công Thương, phối hợp với các Đơn vị trong và ngoài Bộ, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm đã đặt ra cũng như thực hiện kịp thời các chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ, Chính phủ và đạt được những kết quả tích cực như: đã tham gia góp ý các văn bản quy phạm pháp luật liên 2 quan đến TMĐT và hoạt động KTS; xây dựng chính sách phát triển TMĐT, KTS ngành Công Thương.
Về công tác quản lý hoạt động TMĐT, theo báo cáo, trong năm 2024, Cục đã tiếp nhận hồ sơ, tư vấn và hỗ trợ 8.794 doanh nghiệp, tổ chức và 1.520 cá nhân đăng ký tài khoản, thực hiện thủ tục thông báo cho 13.340 website TMĐT và 583 website cung cấp dịch vụ TMĐT thực hiện thủ tục đăng ký. Tiếp nhận và xử lý 165 lượt phản ánh, trong đó bao gồm các hành vi vi phạm chính như không đăng ký, thông báo website/ứng dụng, cung cấp sản phẩm không đảm bảo chất lượng, giả mạo doanh nghiệp khác nhằm lừa đảo khách hàng.
Hồ sơ đăng ký của người dân và doanh nghiệp liên quan đến hoạt động TMĐT được thực hiện toàn bộ thông qua DVCTT toàn trình, đảm bảo xử lý nhanh chóng, hiệu quả và không phát sinh tiêu cực trong hoạt động thực thi công vụ. Năm 2024, Cục không có đơn thư, khiếu nại tố cáo về công tác quản lý hoạt động TMĐT.
Đẩy mạnh công tác rà soát, kiểm tra hoạt động TMĐT
Đối với công tác rà soát, kiểm tra hoạt động TMĐT, Cục TMĐT và KTS đã phối hợp với Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao – Bộ Công An phát hiện trường hợp có dấu hiệu lợi dụng TMĐT để kinh doanh hàng hóa nhập lậu với quy mô và số lượng lớn các mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng, giầy dép… với hàng triệu đơn hàng đã bán. Đoàn kiểm tra đã tạm thu giữ 125.088 sản phẩm các loại bao gồm thực phẩm, mỹ phẩm…; Cục đã yêu cầu các đơn vị là chủ sở hữu website/ứng dụng sàn giao dịch TMĐT và website/ứng dụng TMĐT rà soát gỡ bỏ nhiều sản phẩm vi phạm theo phản ánh từ Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế và các phương tiện truyền thông (mỹ phẩm, thuốc đông y, thực phẩm bổ sung, thực phẩm chức năng,…).
Ngoài ra, Cục cũng đã yêu cầu các sàn TMĐT gỡ bỏ các sản phẩm từ động vật hoang dã như mật gấu, ngà voi, nanh răng hổ…, và các thiết bị bẫy, lưới, các thiết bị dẫn dụ để bắt, tận diệt các loài động vật hoang dã, đặc biệt là chim di cư; các thiết bị gây nhiễu (thiết bị phá sóng), thiết bị kích sóng điện thoại di động; sản phẩm bánh trung thu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc và không đáp ứng điều kiện về an toàn thực phẩm,… trên các website TMĐT bán hàng, các sàn giao dịch TMĐT không đúng quy định của pháp luật. Trong tháng 11 năm 2024, kết quả rà soát, gỡ bỏ là 3.202 sản phẩm và khóa 1.228 gian hàng.
Đối với công tác phối hợp cung cấp thông tin xử lý vi phạm trong TMĐT, Cục đã phối hợp với Cơ quan cảnh sát điều tra tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Điện Biên, tỉnh Phú Thọ, Quảng Bình, Gia Lai, Bắc Ninh, Ninh Bình, v.v… trong việc cung cấp thông tin xác minh vi phạm hàng chục website/ứng dụng trong TMĐT, ví dụ như retamino68.com, cronbase2.one, vluky.com và 323.com, tienlientaybb2.com, …
Ngoài ra, Cục đã rà soát và cung cấp thông tin nhiều website TMĐT có dấu hiệu vi phạm hành chính cho Tổng cục Quảng lý thị trường và các Cục tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Trị, tỉnh Hà Nam, tỉnh Bạc Liêu, tỉnh Điện Biên để xử lý theo thẩm quyền 09 website trong năm 2024.
Về công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động TMĐT, trong năm 2024, Cục đã tiến hàng thanh tra 02 đơn vị, kiểm tra 05 đơn vị theo kế hoạch phê duyệt năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Trong quá trình thực hiện công tác kiểm tra, Cục TMĐT và KTS đã phát hiện và xử phạt vi phạm hành chính đối với 05 đơn vị, tổng số tiền nộp phạt vi phạm hành chính vào ngân sách nhà nước là 162 triệu đồng; tiến hành thanh tra 01 đơn vị theo kế hoạch phê duyệt năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Công Thương. Ngoài việc trực tiếp chủ trì các cuộc thanh tra, kiểm tra, đã phối hợp tham gia các Đoàn kiểm tra của Bộ Tư pháp, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Sở Công Thương TP. Hà Nội và một số địa phương trong công tác thực hiện kiểm tra một số đơn vị có website TMĐT.
Đối với việc xử lý các nền tảng TMĐT xuyên biên giới hoạt động không phép, Cục đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành công điện tiếp tục đẩy mạnh 6 công tác QLNN về TMĐT, nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng, ban hành Luật chuyên ngành về TMĐT nhằm tăng cường QLNN đối với hoạt động TMĐT xuyên biên giới và sửa đổi Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mức giá trị hàng hóa nhập khẩu gửi qua dịch vụ chuyển phát nhanh được miễn thuế. Đã ban hành văn bản yêu cầu các đơn vị liên quan thuộc Bộ đẩy mạnh quản lý về TMĐT, trong đó nêu một số giải pháp cần thực hiện ngay đối với nền tảng TMĐT xuyên biên giới. Phối hợp với Tổng cục QLTT, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) tăng cường giám sát, phát hiện, xử lý kho hàng, điểm tập kết hàng hóa (nếu có) của các nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa được cấp đăng ký.
Bên cạnh đó, tăng cường truyền thông hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein nói riêng, đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động TMĐT nhằm nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng TMĐT xuyên biên giới, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngoài ra, Cục còn tăng cường giám sát các nền tảng TMĐT thực hiện các hình thức khuyến mại không tuân thủ quy định của pháp luật. Tăng cường hoạt động thanh, kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong thương mại, đặc biệt trong môi trường TMĐT. Trong quá trình xử lý vi phạm, các vướng mắc về cơ chế xử lý, về quy định pháp luật điều chỉnh sẽ được rà soát, đánh giá để kiến nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
Về hợp tác quốc tế, Cục TMĐT & KTS đã có nhiều hoạt động hợp tác đa phương (trong khuôn khổ APEC, trong khuôn khổ ASEAN), hợp tác song phương, hoạt động hội nhập nổi bật, được các nước trong khu vực đánh giá cao.
Về công tác phát triển TMĐT&KTS ngành Công Thương, Cục đã tổ chức nhiều chương trình, sự kiện ý nghĩa, có ảnh hưởng sâu rộng đến người tiêu dùng, các doanh nghiệp; thúc đẩy chuyển đổi số như: Chuỗi sự kiện “Thương mại điện tử xuyên biên giới: Kỷ nguyên bứt phá”, Tuần lễ thương mại điện tử quốc gia và Ngày mua sắm trực tuyến Việt Nam – Online Friday, Diễn đàn Chuyền đổi số ngành Công Thương 2024, …
Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh
Tiếp tục phát triển thương mại điện tử bền vững, thương mại điện tử xanh
Tuy đã đạt được nhiều kết quả tích cực song chia sẻ tại hội nghị, Cục trưởng Cục TMĐT&KTS Lê Hoàng Oanh cũng thẳng thắn nhìn nhận còn không ít hạn chế, tồn tại cần phải khắc phục.
Mặc dù Nghị định 85/2021/NĐ-CP đã có các quy định ban đầu về các điều kiện áp dụng cho chủ thể cung cấp dịch vụ TMĐT xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước còn gặp khó khăn trong công tác quản lý, giám sát hoạt động kinh doanh với các nền tảng TMĐT xuyên biên giới.
Nhiều nền tảng TMĐT xuyên biên giới chưa được cấp phép hoặc đang trong quá trình cấp phép vẫn thực hiện cung cấp dịch vụ thương mại điện tại Việt Nam, bán các sản phẩm, hàng hóa xuyên biên giới vào thị trường Việt Nam với giá cả thấp, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường tiêu thụ nội địa, áp lực cạnh tranh với các nền tảng TMĐT nội địa và tác động lớn đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng.
Hoạt động livestreams bán hàng đang là xu hướng phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử song quy định pháp lý về TMĐT mới chỉ điều chỉnh chung giống như một hoạt động quảng cáo đi kèm với bán hàng, mà chưa có quy định riêng rẽ về các chủ thể tham gia livestream, các trường thông tin tối thiểu phải cung cấp cho người xem, trình độ chuyên môn của người thực hiện livestreams, định danh chủ tài khoản và những vấn đề về kiểm soát thông tin trong quá trình phát livestreams…
Vấn đề kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng… cũng đặt ra cho cơ quan quản lý nhà nước cần có công cụ quản lý hiệu quả hơn.
Vì vậy, bà Lê Hoàng Oanh cho biết, trong năm 2025, Cục sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện luật chuyên ngành về TMĐT. Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu để tạo ra môi trường pháp lý ổn định và phát triển bền vững cho TMĐT.
Tiếp tục phát triển TMĐT bền vững, thương mại điện tử xanh, giảm thiểu tác động môi trường. Thúc đẩy hợp tác giữa các bên, liên kết với các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp. Đồng thời tăng cường phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, phát triển TMĐT và hỗ trợ chuyển đổi số cho chợ truyền thống.
Bên cạnh đó, tăng cường quản lý nền tảng TMĐT xuyên biên giới, đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ pháp luật.
Chủ động thúc đẩy việc ứng dụng AI trong các hoạt động quản lý và vận hành, qua đó thúc đẩy chuyển đổi số ngành Công Thương. Song song với đó, Cục sẽ tiếp tục xây dựng và liên tục cập nhật cơ sở dữ liệu chung, đảm bảo sự phối hợp hiệu quả với các đơn vị khác.