Livestream giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu kinh doanh và thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử

Livestream là con đường nhanh nhất giúp người bán tiếp cận với nhiều đối tượng hơn, đem lại doanh thu cao hơn với mức đầu tư tương đối thấp

Một trong những điểm nhấn của Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử vùng Tây Nguyên vừa được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số tổ chức mới đây là phiên livestream đặc biệt của MC-KOC Thùy Dung ngay tại khán phòng. Với phần chia sẻ tràn đầy tâm huyết và cảm hứng, KOC đã giới thiệu những ưu điểm của livestream cũng như cách thức tổ chức để có phiên livestream thành công; đồng thời, thực hành phiên livestream đặc biệt để giới thiệu, quảng bá một số sản phẩm đặc trưng của tỉnh vùng Tây Nguyên. Phiên livestream đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo doanh nghiệp đang mong muốn tìm kiếm cơ hội trên các nền tảng số để chinh phục thị trường tiêu thụ rộng lớn.  

Ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện Tikotk Việt Nam nhấn mạnh: “Các chính sách và công cụ hỗ trợ của TikTok được phát triển nhằm xây dựng một môi trường trực tuyến an toàn cho cộng đồng. Và chúng tôi tin rằng, người dùng sẽ ủng hộ và tận dụng những công cụ này để cùng tạo ra một nền tảng TikTok tích cực và cởi mở cho tất cả mọi người”.

Thông tin về Chiến dịch Tự Hào Hàng Việt trên TikTok Shop, ông Nguyễn Lâm Thanh cho biết, Chương trình được tổ chức với mục tiêu tăng cường giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu Việt chất lượng; cung cấp những địa chỉ doanh nghiệp uy tín để người tiêu dùng có đầy đủ thông tin và lựa chọn sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, thương hiệu Việt trên thị trường.

Thông qua các đối tác là các Ban chỉ đạo Cuộc Vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của các địa phương, các Hiệp hội nghề nghiệp, các Sở, ban, ngành địa phương, TikTok sẽ hỗ trợ từ 100-200$ ads-credit cho mỗi video giới thiệu các doanh nghiệp, sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt mà tổ chức đối tác giới thiệu. Mỗi đối tác của chương trình có thể giới thiệu tới 100 doanh nghiệp, sản phẩm dịch vụ thương hiệu Việt tham gia chương trình #TuHaoHangViet.

Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh

Theo Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh, Tây Nguyên được biết đến với những mặt hàng nông sản thế mạnh như cà phê, hồ tiêu, cao su, trái cây đặc sản và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đặc trưng. Những sản phẩm này không chỉ có chất lượng cao mà còn mang đậm dấu ấn của vùng đất Tây Nguyên. Cục trưởng cho rằng, thương mại điện tử chính là cầu nối có vai trò quan trọng để các sản phẩm này được tiêu thụ rộng rãi ra các tỉnh trong vùng Tây Nguyên cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ khắp cả nước.

Những năm gần đây, nhờ đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử, trong đó, tận dụng hiệu quả phương thức livestream, các doanh nghiệp Tây Nguyên đã không ngừng chủ động quảng bá những sản phẩm đặc trưng của vùng đến với người tiêu dùng trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Lâm Thanh – Đại diện TikTok tại Việt Nam

Thông tin tại Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử vùng Tây Nguyên, ông Nguyễn Lâm Thanh đã chia sẻ “Câu chuyện thành công trên TikTokshop” của hai thương hiệu tiêu biểu đến từ Tây Nguyên là Mật ong Phương Di (tỉnh Gia Lai), Hana Ban Mê (tỉnh Đắk Lăk).

Ảnh chụp thương hiệu Mật ong Phương Di trên TikTok Shop

Theo đó, Mật ong Phương Di là một trong những nhà bán hàng địa phương đầu tiên tham gia vào TikTok Shop (Tháng 06-2022) với mức độ gắn kết cao với sàn. Sau khi tham gia, Mật ong Phương Di đã ứng dụng ACE model vào việc bán hàng trên TikTok Shop với đa dạng sản phẩm. Bên cạnh đó, để duy trì tần suất sản xuất nội dung đều đặn hàng tuần, mỗi ngày, cứ 4-6 tiếng, Mật ong Phương Di sẽ có phiên livestream giới thiệu sản phẩm trên nền tảng.

Nhờ đó, thương hiệu Mật ong Phương Di tăng trưởng doanh thu 64%, đóng góp 20% tổng doanh thu công ty. Kênh TikTok của Công ty đạt 238k lượt yêu thích và 91k lượt theo dõi với hơn 22k lượt mua so với cùng kỳ 2023.

Cũng đến từ vùng đất Tây Nguyên, Hana Ban Mê là thương hiệu thành công trên nền tảng Tiktok nhờ tận dụng lợi thế của livestream. Đại diện thương hiệu Hana Ban Mê tâm sự, “Tháng 6/2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tôi lựa chọn trở về quê cùng gia đình. Khi đó, tôi vừa đi làm rẫy, vừa quay những clip ngắn ghi lại cuộc sống hàng ngày của bố mẹ, những lúc mẹ ép dầu lạc, bố hái cafe, hái sầu riêng, rồi cách mẹ lựa từng trái bơ… Tất cả được tái hiện một cách sống động, chân thực và gần gũi. Những clip đó đã được lựa chọn và đăng tải trên kênh Tiktok, giúp độc giả cảm nhận rõ hơn về cuộc sống cũng như những sản phẩm đến từ Tây Nguyên mà chúng tôi cung cấp”.

Có thể nói, Hana Ban Mê thành công trong việc bán hàng trên TikTok Shop nhờ khai thác và tập trung vào thế mạnh của doanh nghiệp (về phương pháp, công nghệ, kỹ thuật, nhà máy xưởng, vùng nguyên liệu…) và khai thác hiệu quả các nguồn lực, cùng với đó, hợp tác cùng các KOL, KOC qua hình thức tiếp thị liên kết.

Sau khi tìm ra hướng đi riêng, Hana Ban Mê phát triển kênh TikTok Shop với nhiều đặc sản Tây Nguyên, được đánh giá 4.7 sao, với hơn 75,000 lượt bán. Kênh Hana Ban Mê hiện có 1,200,000 lượt Follow, trong đó, nhiều video tương tác tốt, được độc giả yêu thích.

Ảnh chụp thương hiệu Hana Ban Mê trên TikTok Shop

Đó chỉ là hai trong số rất nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh đã thành công trên Tiktok Shop nhờ livestream.

Khẳng định tính hiệu quả của livestream trên các nền tảng trực tuyến, MC-KOC Thùy Dung cho rằng: “Livestream không cầu kỳ, phức tạp, đó là cách đi từ trái tim đến trái tim. Chỉ cần người bán chân thành, cởi mở, tận tình giới thiệu, người mua sẽ cảm thấy yên tâm để “chốt deal” mua hàng”.

MC-KOC Thùy Dung

Không thể phủ nhận, livestream bán hàng đã và đang là một trong những ngành phát triển nhanh nhất, nhiều tiềm năng, và được sử dụng như một chiến lược, giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu kinh doanh.

Đây cũng sẽ là một trong những nội dung quan trọng được Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số ưu tiên đưa vào Chương trình của chuỗi Hội nghị thúc đẩy liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử tại các vùng kinh tế được tổ chức năm 2024 và những năm tiếp theo.