Kinh nghiệm nước ngoài về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong các FTA với EU và thực trạng xuất khẩu của Việt Nam sang EU trong bối cảnh thực thi Hiệp định EVFTA

Hội thảo thuộc nhiệm vụ “Nghiên cứu, xây dựng tài liệu phân tích về ảnh hưởng/tác động của các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA) tới phát triển các sản phẩm và thị trường xuất khẩu tiềm năng, phục vụ việc xây dựng giải pháp hỗ trợ đăng ký, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động xuất khẩu thuộc Kế hoạch phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài”. Hội thảo do TS. Lê Huy Khôi – Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương chủ trì, với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các Phòng, Ban trong Viện và các đại biểu quan tâm.

TS. Lê Huy Khôi nhấn mạnh sở hữu trí tuệ là một nội dung quan trọng trong thương mại quốc tế, được thể hiện bằng các điều khoản và cam kết của các nước thành viên trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới. Trên thực tế, mỗi FTA thế hệ mới sẽ có những quy định khác nhau đối với bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và từ đó cũng có tác động khác nhau đến các sản phẩm và thị trường xuất khẩu. Cho đến thời điểm hiện tại, sau 4 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu, EVFTA được xem là góp phần thúc đẩy hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào EU phục hồi sau giai đoạn 2020 -2023 đầy khó khăn và thách thức. Vì vậy, việc nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế về bảo hộ sở hữu trí tuệ trong xuất khẩu sản phẩm hàng hóa trong các FTA với EU là việc hết sức cần thiết để từ đó nghiên cứu áp dụng và khai thác tối đa lợi ích của Hiệp định EVFTTA mang lại.

Chương Sở hữu trí tuệ của EVFTA bao gồm 63 điều và 2 phụ lục. Cam kết về quyền sở hữu trí tuệ gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý… Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Một số nét chính trong các cam kết sở hữu trí tuệ đó là:

– Về chỉ dẫn địa lý, khi Hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ bảo hộ trên 160 chỉ dẫn địa lý của EU (bao gồm 28 nước thành viên) và EU sẽ bảo hộ 39 chỉ dẫn địa lý của Việt Nam. Các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam đều liên quan tới nông sản, thực phẩm, tạo điều kiện cho một số chủng loại nông sản của Việt Nam xây dựng và khẳng định thương hiệu tại thị trường EU.

– Về nhãn hiệu, hai bên cam kết áp dụng thủ tục đăng ký thuận lợi, minh bạch, bao gồm việc phải có cơ sở dữ liệu điện tử về đơn nhãn hiệu đã được công bố và nhãn hiệu đã được đăng ký để công chúng tiếp cận; đồng thời, cho phép chấm dứt hiệu lực nhãn hiệu đã đăng ký nhưng không sử dụng một cách thực sự trong vòng 5 năm.

– Về thực thi, Hiệp định có quy định về biện pháp kiểm soát tại biên giới đối với hàng xuất khẩu nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

– Cam kết về đối xử tối huệ quốc (MFN): Cam kết về nguyên tắc tối huệ quốc trong Hiệp định này bảo đảm dành cho các tổ chức, cá nhân của EU được hưởng những lợi ích về tiêu chuẩn bảo hộ cao không chỉ với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ theo Hiệp định của WTO về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPs) mà còn cả các đối tượng khác của quyền sở hữu trí tuệ trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia (như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CPTPP).

Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học tham dự Hội thảo đã có những ý kiến đóng góp thiết thực về kinh nghiệm của Singapore, Nhật Bản về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong xuất khẩu hàng hóa trong các FTA với EU và khả năng vận dụng ở Việt Nam.