Hiệp định EVFTA: Xây dựng mối quan hệ thương mại song phương hiện đại, lành mạnh và cân bằng thông các cam kết về thương mại điện tử

Các cam kết về thương mại điện tử trong Hiệp định EVFTA

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), sau 4 năm thực thi EVFTA, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang châu Âu tăng mạnh, từ 35 tỷ euro vào năm 2019 tăng lên 48 tỷ euro vào năm 2023. Chỉ tính riêng trong 10 tháng năm 2024, xuất khẩu sang EU (27 nước) đạt 42,83 tỷ USD,  tăng 18,3%, tương ứng tăng 6,61 tỷ USD so với cùng kỳ năm trước, đưa Việt Nam trở thành đối tác thương mại đứng đầu trong các nước ASEAN của EU. Các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU là giày dép, dệt may, cà phê, đồ gỗ, hải sản, nông phẩm, đồ uống…

Việc Việt Nam tham gia ký kết EVFTA vào ngày 30/6/2019 là một cột mốc quan trọng trong quá trình hội nhập sâu rộng của nước ta vào nền kinh tế thế giới. Trong bối cảnh thương mại toàn cầu đầy biến động với những căng thẳng địa chính trị và sự trỗi dậy của chủ nghĩa bảo hộ, EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với xu thế toàn cầu hóa và nắm bắt cơ hội từ xu hướng chuyển dịch sang kinh tế số và thương mại điện tử.

EVFTA được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam thích ứng tốt hơn với xu thế toàn cầu hóa và nắm bắt cơ hội từ xu hướng chuyển dịch sang kinh tế số và thương mại điện tử

Trong khuôn khổ Hiệp định EVFTA, các cam kết về thương mại điện tử thuộc phạm vi của Chương 8 – Tự do hóa đầu tư, Thương mại dịch vụ và Thương mại điện tử. Theo đó các cam kết cụ thể được quy định tại Mục F, gồm 3 điều khoản.

Cụ thể, để phát triển thương mại điện tử giữa Việt Nam và EU, góp phần tạo thêm cơ hội thương mại trong nhiều lĩnh vực, hai bên cam kết không đánh thuế nhập khẩu đối với giao dịch điện tử. Đồng thời, Việt Nam và EU cam kết hợp tác trong lĩnh vực này thông qua việc duy trì đối thoại về các vấn đề quản lý được đặt ra trong thương mại điện tử gồm:

– Công nhận các chứng thư của chữ ký điện tử được cung cấp ra công chúng và tạo thuận lợi cho các dịch vụ chứng thực qua biên giới;

– Trách nhiệm của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian trong việc truyền dẫn hay lưu trữ thông tin;

– Ứng xử với các hình thức liên lạc điện tử trong thương mại không được cho phép của người nhận (ví dụ: thư điện tử chào hàng, quảng cáo);

– Bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia giao dịch điện tử;

– Các vấn đề khác liên quan đến phát triển thương mại điện tử.

Hai bên cũng sẽ hợp tác trao đổi thông tin về quy định pháp luật trong nước và các vấn đề thực thi liên quan.

Như vậy, bên cạnh khẳng định một nguyên tắc quan trọng trong thương mại đa phương là không đánh thuế với giao dịch điện tử, Việt Nam và EU cũng hướng tới hợp tác, trao đổi thông tin trong lĩnh vực này nhằm xây dựng mối quan hệ thương mại song phương hiện đại, lành mạnh và cân bằng thông các cam kết về thương mại điện tử của Hiệp định EVFTA.

EVFTA và cơ hội cho thương mại điện tử Việt Nam

Trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa thông qua thương mại điện tử là một yêu cầu cấp thiết. Các cam kết về thương mại điện tử được quy định trong EVFTA mở ra nhiều cơ hội mới, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Việt Nam vượt qua những rào cản địa lý và tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng châu Âu; từ đó, thúc đẩy xuất khẩu và tăng trưởng doanh thu.

Cam kết xóa bỏ gần như toàn bộ thuế xuất khẩu và miễn thuế cho giao dịch thương mại điện tử của EU là những tín hiệu tích cực, mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam. Thị trường EU với độ dân trí cao và công nghệ phát triển sẽ là điểm đến hấp dẫn cho hàng hóa Việt Nam, đặc biệt là khi được phân phối qua các kênh trực tuyến.

Việc giảm đáng kể thuế xuất khẩu và miễn phí giao dịch điện tử theo cam kết của EVFTA sẽ giúp giảm thiểu chi phí sản xuất của doanh nghiệp Việt Nam. Điều này trực tiếp tác động đến giá thành sản phẩm, giúp hàng hóa Việt Nam trở nên cạnh tranh hơn trên thị trường EU. Trong vòng 3-7 năm tới, với lợi thế thuế quan ưu đãi và các cơ chế tạo thuận lợi khác, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có vị thế vững chắc hơn so với các đối thủ cạnh tranh đến từ các nước ASEAN.

Trong xu thế hội nhập sâu rộng hiện nay, việc đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa thông qua thương mại điện tử là một yêu cầu cấp thiết

Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu được hưởng ưu đãi thuế quan rất đa dạng, bao gồm cả các sản phẩm công nghiệp, nông sản, thủy sản và các dịch vụ như tài chính, du lịch. Đặc biệt, các sản phẩm chủ lực của Việt Nam như dệt may, thủy sản, nông sản sẽ có nhiều cơ hội để thâm nhập sâu hơn vào thị trường EU. Với cơ cấu kinh tế bổ sung, Việt Nam và EU sẽ cùng nhau tạo ra những cơ hội hợp tác mới, giúp doanh nghiệp Việt Nam phục hồi và phát triển sau đại dịch Covid-19.

Nỗ lực mạnh mẽ phục hồi sau đại dịch Covid-19 và Hiệp định EVFTA đang thúc đẩy nền kinh tế Việt Nam chuyển mình mạnh mẽ. Cả hai yếu tố này đều tạo ra áp lực và cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào thị trường truyền thống, đẩy mạnh thương mại điện tử và nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. EVFTA còn góp phần giúp Việt Nam hiện đại hóa thể chế và môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của kinh tế số.

Hiệp định EVFTA đang tạo ra nhiều cơ hội mới cho ngành du lịch với các dịch vụ trực tuyến của Việt Nam. Nhờ những cam kết mở cửa thị trường, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam có thể dễ dàng cung cấp dịch vụ như đặt phòng khách sạn, đặt vé máy bay, đặt tour trực tuyến đến với khách hàng châu Âu. EVFTA được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng để thúc đẩy ngành du lịch Việt Nam phát triển bền vững. Hiệp định này không chỉ mở ra cơ hội tăng trưởng mà còn giúp nâng cao chất lượng dịch vụ, bảo vệ môi trường và phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng

Hiện nay, các nước tham gia Hiệp định EVFTA, chiếm khoảng 22% GDP toàn cầu. Quá trình tham gia EVFTA sẽ mở ra một chương mới đầy hứa hẹn cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp thương mại điện tử. Việc hình thành chuỗi cung ứng mới sẽ thúc đẩy nền kinh tế chuyển đổi, tăng năng suất lao động và tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào các ngành công nghiệp có giá trị gia cao. Đây là cơ hội vàng để Việt Nam nâng cao vị thế trên bản đồ kinh tế thế giới và trở thành một mắt xích không thể thiếu trong chuỗi cung ứng số toàn cầu trong những năm tới.

Tận dụng hiệu quả EVFTA để thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử xuyên biên giới

Để tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA và thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang EU thông qua thương mại điện tử, các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp của Việt Nam cần triển khai một cách đồng bộ và toàn diện các giải pháp quan trọng.

Về phía các cơ quan Nhà nước, việc cải cách thể chế một cách đồng bộ, minh bạch và hiệu quả sẽ tạo ra một môi trường kinh doanh hấp dẫn, thu hút đầu tư và thúc đẩy sự phát triển của mọi thành phần của nền kinh tế. Đồng thời, việc liên kết và phát triển công nghiệp hỗ trợ sẽ tạo ra một hệ sinh thái cộng sinh giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài cùng nhau phát triển.

Để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường thương mại điện tử tại EU, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, đặc biệt là pháp luật về giao dịch điện tử, sở hữu trí tuệ và cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại, là vô cùng cần thiết. Hệ thống pháp luật này không chỉ phải đảm bảo tính an toàn, minh bạch mà còn phải phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, tạo ra một môi trường kinh doanh công bằng và cạnh tranh.

Bên cạnh đó, các cơ quan Nhà nước cũng cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bằng cách cung cấp thông tin thị trường đầy đủ, minh bạch về thuế phí, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp vượt qua các rào cản kỹ thuật và phi kỹ thuật trong quá trình xuất khẩu sang EU. Việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp sẽ giúp tận dụng tối đa cơ hội và giảm thiểu rủi ro từ Hiệp định EVFTA.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp đón đầu cơ hội do EVFTA mang lại, thời gian qua, Chính phủ đã có những chương trình hành động mạnh mẽ, quyết liệt nhằm triển khai hiệu quả EVFTA, mang lại nhiều lợi ích cho người dân và cho doanh nghiệp. Ngay khi EVFTA đi vào hiệu lực, tháng 3/2021, Bộ Công Thương đã phối hợp với Viện Khoa học Quản trị Doanh nghiệp và Kinh tế số Việt Nam (VIDEM), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) tổ chức Lễ ra mắt Chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử.

Trong quá trình triển khai Chương trình hợp tác hỗ trợ doanh nghiệp khai thác EVFTA bằng nền tảng thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) là đơn vị chủ trì, đã tích cực phối hợp cùng với các đơn vị khác trong Bộ hợp tác với VIDEM và VINASME tập trung một số trọng tâm như: Tiếp tục phát triển để hoàn thiện nền tảng sàn thương mại điện tử dành cho doanh nghiệp Việt Nam, hướng tới xuất nhập khẩu. Phối hợp triển khai các chương trình cụ thể hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa từng bước tiếp cận và khai thác hiệu quả sàn thương mại điện tử. Nghiên cứu tìm giải pháp tích hợp với hệ thống của các cơ quan liên quan như hải quan, nhằm tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp. Chú trọng việc thực hiện các giải pháp kỹ thuật, bảo đảm an toàn và bảo mật trong quá trình vận hành. Đây là bước đầu tiên trong lộ trình tạo ra những giải pháp mang tính nền tảng, căn cơ, lấy công nghệ làm cốt lõi để hỗ trợ cộng động doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể nâng cao năng lực, tăng thêm những cơ hội tiếp cận thị trường quốc tế, để tận dụng tối đa những cơ hội do hiệp định thương mại mang lại.

Về phía doanh nghiệp, cần không ngừng nỗ lực nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách đầu tư vào công nghệ, cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ và chủ động tái cấu trúc tổ chức để thích ứng với môi trường kinh doanh số và các yêu cầu của EVFTA.

Để thành công khi xuất khẩu sang EU trong khuôn khổ EVFTA, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và nắm bắt các cơ hội thị trường mới, đồng thời chuẩn bị kỹ lưỡng để đáp ứng các yêu cầu khắt khe về chất lượng, quy định kỹ thuật và thủ tục hải quan. Việc hiểu rõ về các ưu đãi thuế và các rào cản kỹ thuật sẽ giúp doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả.

Bên cạnh đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh và tận dụng tối đa cơ hội từ EVFTA, doanh nghiệp Việt Nam cần tích cực liên kết, hợp tác để hình thành các liên minh mạnh mẽ, đủ sức cạnh tranh với các đối thủ quốc tế. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước để triển khai hiệu quả các cam kết của Hiệp định này.

Bằng cách tham gia vào các sàn thương mại điện tử lớn của thế giới, doanh nghiệp Việt Nam không chỉ tiếp cận được lượng khách hàng khổng lồ mà còn có cơ hội tìm kiếm đối tác kinh doanh, nhà đầu tư tiềm năng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Để phục vụ mục tiêu này và đáp ứng yêu cầu của thương mại điện tử, doanh nghiệp cần đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cao trình độ ngoại ngữ và kỹ năng số cho nhân viên. Điều này giúp đội ngũ nhân viên làm chủ các phần mềm thương mại điện tử, giao tiếp hiệu quả với đối tác quốc tế và hoàn thành tốt các nghiệp vụ liên quan đến hợp đồng điện tử.

Trong bối cảnh thế giới đang có nhiều biến động, EVFTA không chỉ là một hiệp định thương mại mà còn là một cơ hội vàng để doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thương mại điện tử đang mở ra những cơ hội mới vô cùng hấp dẫn cho doanh nghiệp Việt Nam. Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi để hàng hóa Việt Nam tiếp cận dễ dàng hơn với người tiêu dùng châu Âu và thế giới.