Hiệp định EVFTA tạo động lực đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (Bài 2): Chuyển đổi mô hình tăng trưởng

Phù hợp với lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế

Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã cho thấy những thành quả đáng kể. Việt Nam đã kiên định với một lộ trình nhất quán, ban hành nhiều nghị quyết, cơ chế, chính sách, biện pháp đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp nhà nước nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Điều đó được thể hiện thông qua các kết quả sau:

Thứ nhất, Việt Nam đã thiết lập và ban hành khung pháp lý hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật, được xây dựng để phục vụ quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước. Các quy định pháp luật liên tục được bổ sung, hoàn thiện, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, tối đa hóa lợi ích cho Nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho việc cổ phần hóa, thoái vốn. Nhờ đó, quá trình tái cơ cấu diễn ra nhanh chóng hơn, hạn chế thất thoát tài sản và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, phù hợp với lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế, trong đó có EVFTA.

Những cơ chế, chính sách quan trọng liên quan đến tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành, tạo hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ

Thứ hai, các đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước đã được xây dựng và phê duyệt, phù hợp với vai trò của khu vực doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường và bám sát định hướng phát triển kinh tế của đất nước từng giai đoạn. Cụ thể, theo các đề án sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước của các bộ, ngành và địa phương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì số lượng doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước chỉ còn khoảng 40% so với hiện nay; cổ phần hóa 43%; giao bán khoán kinh doanh và cho thuê 4,5%; còn lại sẽ giải thể, phá sản, chuyển sang đơn vị sự nghiệp có thu; tổng số vốn nhà nước tại các doanh nghiệp còn khoảng 84%; lao động trong doanh nghiệp nhà nước còn khoảng 950 nghìn người (giảm 30,4%). Các doanh nghiệp nhà nước còn lại này chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực then chốt như dầu khí, viễn thông, hóa chất, giao thông cơ sở hạ tầng… đảm bảo cân đối vĩ mô cho nền kinh tế, công ích, an ninh, quốc phòng. Nhờ quá trình cổ phần hóa, hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước đã được nâng cao đáng kể. Đồng thời, lợi ích của Nhà nước được tối đa hóa và môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp tư nhân phát triển.

Thứ ba, quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Các doanh nghiệp nhà nước ngày càng hoạt động hiệu quả hơn, thực hiện tốt vai trò là một trụ cột quan trọng của nền kinh tế, đóng góp vào việc điều tiết kinh tế vĩ mô, đảm bảo cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy sự phát triển chung của đất nước. Các đơn vị thuộc các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, doanh nghiệp nhà nước gắn với quá trình cổ phần hóa, sắp xếp lại đã nâng cao đáng kể chất lượng dịch vụ công, hiệu quả hoạt động của các đơn vị cung cấp dịch vụ cũng được cải thiện. Đồng thời, việc xã hội hóa dịch vụ công đã thu hút được nhiều nguồn lực từ xã hội, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhà nước đã tập trung hơn vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, hạn chế đầu tư dàn trải.

Nâng cao hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII đưa ra quan điểm chỉ đạo nhằm tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước: “Đẩy nhanh việc xử lý nợ, thoái vốn, cổ phần hóa, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; thúc đẩy đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, áp dụng chế độ quản trị doanh nghiệp hiện đại để nâng cao hiệu quả, đồng thời kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của doanh nghiệp, không để thất thoát, lãng phí vốn, tài sản nhà nước”. Để thực hiện, triển khai quan điểm trên, cần thực hiện một số giải pháp đồng bộ.

 

Áp dụng nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế để nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước

Thứ nhất, cần tích cực đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Mục tiêu là Nhà nước chỉ nắm giữ doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực cốt lõi, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển và an ninh quốc gia. Việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước cần được thực hiện một cách bài bản, có lộ trình rõ ràng, tuân thủ nguyên tắc thị trường, đảm bảo tính công khai, minh bạch và hiệu quả. Đồng thời, quá trình này phải được tiến hành một cách czhuyên nghiệp, đánh giá chính xác giá trị doanh nghiệp, bảo toàn đầy đủ các nguồn lực, đặc biệt là thương hiệu và bản sắc doanh nghiệp.

Thứ hai, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật và các chính sách liên quan đến cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Cụ thể, cần tách bạch rõ ràng giữa chức năng sở hữu và chức năng quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp. Đồng thời, cần phân định cụ thể giữa hoạt động kinh doanh và hoạt động dịch vụ công ích của doanh nghiệp nhà nước, đồng thời giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại từ trước. Bên cạnh đó, cần tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp nhà nước có thể đổi mới, sáng tạo và hoạt động một cách tự chủ hơn. Xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa các doanh nghiệp nhà nước và các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, cần cải tiến cơ chế quản lý doanh nghiệp nhà nước theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp. Đặc biệt, cần tạo động lực cho đội ngũ quản lý thông qua cơ chế khen thưởng xứng đáng, gắn liền với hiệu quả kinh doanh. Ngoài ra, việc thu hút nhân tài là yếu tố then chốt để doanh nghiệp nhà nước có thể cạnh tranh và phát triển.

Thứ ba, cần hoàn thiện hệ thống quản lý tài sản nhà nước. Trọng tâm là quản lý hiệu quả nguồn vốn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi chức năng của các cơ quan quản lý tài sản nhà nước; đồng thời, cải cách cơ chế ủy quyền kinh doanh vốn nhà nước và tối ưu hóa việc phân bổ vốn. Đồng thời, cần tăng cường giám sát quản lý thống nhất đối với tài sản nhà nước có tính kinh doanh, buộc các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường.