Hiệp định EVFTA tạo động lực đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (Bài 1): Nhiệm vụ cấp thiết

Những cam kết liên quan đến doanh nghiệp nhà nước được quy định trong EVFTA

Chương 11 của EVFTA áp dụng cho 3 nhóm doanh nghiệp, bao gồm: doanh nghiệp nhà nước; doanh nghiệp được cấp đặc quyền hoặc ưu tiên đặc biệt; và doanh nghiệp độc quyền chỉ định. Theo định nghĩa tại Chương 11, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp có vốn nhà nước chiếm trên 50% vốn điều lệ; hoặc Nhà nước kiểm soát trên 50% số phiếu biểu quyết; hoặc Nhà nước nắm quyền bổ nhiệm hơn nửa thành viên Ban quản trị/Bộ máy lãnh đạo. Nhà nước có thể thực hiện quyền kiểm soát đối với các quyết định chiến lược của doanh nghiệp. Về quy mô doanh thu, đối với doanh nghiệp nhà nước ở trung ương, có doanh thu từ hoạt động kinh doanh từ 200 triệu SDR/năm (tương đương khoảng 6.280 tỷ đồng) trở lên trong ba năm liền trước (SDR – Special Drawing Rights, Quyền rút vốn đặc biệt. SDR là dạng tiền tệ dự trữ quốc tế do Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) phát hành với vai trò bổ sung cho nguồn tiền dự trữ của các quốc gia). Đối với doanh nghiệp ở địa phương, được loại trừ trong vòng 5 năm kể từ khi EVFTA có hiệu lực, hết 5 năm thì áp dụng ngưỡng quy mô doanh thu như doanh nghiệp ở trung ương.

Theo EVFTA, doanh nghiệp thuộc diện điều chỉnh của Chương 11 phải tuân thủ 2 nguyên tắc sau đây:

Nguyên tắc 1: Phải hoạt động dựa trên tính toán thương mại thuần túy.

Theo nguyên tắc này, trừ trường hợp doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích hoặc được Nhà nước chỉ định độc quyền trên một thị trường nhất định, doanh nghiệp nhà nước phải ra các quyết định kinh doanh dựa trên “tính toán thương mại”. Nói cách khác, các doanh nghiệp nhà nước phải phân tích dựa trên các tiêu chí mang tính thương mại như giá cả, chất lượng, khả năng cung ứng, tiếp thị, vận tải… hoặc những yếu tố khác tương tự như doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác khi ra quyết định kinh doanh.

Nguyên tắc 2: Không được phân biệt đối xử khi mua bán hàng hóa, dịch vụ.

Theo nguyên tắc này, doanh nghiệp nhà nước của một Bên phải bảo đảm:

– Khi mua hàng hóa: đối xử với hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp Bên kia cung cấp hoặc do nhà đầu tư Bên kia cung cấp trên lãnh thổ của mình không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp, nhà đầu tư nội địa trong các điều kiện tương tự;

– Khi bán hàng hóa: đối xử với doanh nghiệp của Bên kia hoặc nhà đầu tư của Bên kia trên lãnh thổ mình không kém thuận lợi hơn đối xử dành cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nội địa của mình.

EVFTA yêu cầu Việt Nam và EU khi quản lý, kiểm soát các doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ 4 nghĩa vụ cơ bản sau đây:

– Nỗ lực để bảo đảm các doanh nghiệp nhà nước tuân thủ các tiêu chuẩn quản trị doanh nghiệp đã được thừa nhận trên thế giới;

– Bảo đảm không cơ quan Nhà nước hoặc cơ quan được giao chức năng quản lý Nhà nước nào phải chịu trách nhiệm (giải trình) về các doanh nghiệp nhà nước mà họ quản lý, nhằm bảo đảm tính hiệu quả và khách quan với tất cả các doanh nghiệp tổ chức khác mà cơ quan này quản lý trong hoàn cảnh tương tự;

– Áp dụng và thực thi pháp luật thống nhất và không phân biệt đối xử với các doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp nhà nước;

– Cung cấp thông tin chi tiết như cam kết về doanh nghiệp nhà nước thuộc diện điều chỉnh (thông tin về chủ sở hữu, về cơ cấu bỏ phiếu, cơ cấu tổ chức…) cho cơ quan có thẩm quyền của Bên kia khi được yêu cầu.

Nỗ lực của Việt Nam trong công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước

Công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được khởi động từ Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành trung ương lần thứ 3 (khóa XI) năm 2011. Mục tiêu chính của quá trình này là xây dựng các doanh nghiệp nhà nước có cơ cấu sở hữu hợp lý, tập trung vào những ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Quá trình tái cơ cấu được triển khai từng giai đoạn, dưới sự giám sát chặt chẽ của Chính phủ, với mục tiêu đảm bảo hiệu quả cao nhất.

Giai đoạn 2011-2015, Việt Nam chủ trương đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước. Trong bối cảnh định hướng phát triển kinh tế chuyển dịch từ ưu tiên tăng trưởng sang cân đối giữa tăng trưởng và ổn định, việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đòi hỏi phải sâu rộng hơn. Mục tiêu là giải quyết các vấn đề về cơ cấu của toàn bộ khu vực doanh nghiệp nhà nước, nhằm tạo ra những thay đổi căn bản, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp khai thác hiệu quả các nguồn lực và chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Để hiện thực hóa mục tiêu này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012, trong đó đưa ra đề án “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011 – 2015”.

Quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được triển khai từng giai đoạn, dưới sự giám sát chặt chẽ của Chính phủ, với mục tiêu đảm bảo hiệu quả cao nhất

Giai đoạn 2016 – 2020, Việt Nam chủ trương đẩy mạnh cơ cấu lại, chuyển đổi với các doanh nghiệp nhà nước có quy mô lớn, phạm vi hoạt động rộng, kinh doanh đa ngành nghề, tài chính phức tạp. Trong giai đoạn này, Chính phủ đã thể hiện sự quyết tâm mạnh mẽ thông qua việc ban hành 30 nghị định, 5 quyết định và 19 thông tư liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Những văn bản này không chỉ đề cập đến tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp mà còn cụ thể hóa trình tự của quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, phương pháp định giá, và các cơ chế đấu giá minh bạch trên thị trường. Đặc biệt, việc chú trọng đến cơ chế cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp, đảm bảo tính hợp pháp, tính minh bạch và sự công khai đã khẳng định cam kết của Việt Nam với các đối tác trên thế giới.

Năm 2016, Chính phủ quyết định rà soát lại các tiêu chuẩn phân loại doanh nghiệp đề ra trong năm 2014 và công bố danh sách 137 doanh nghiệp phải chuyển đổi thành công ty cổ phần trong thời gian từ 2016-2020. Cũng trong năm này, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành nghiên cứu, xây dựng trình cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách, pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước kịp thời theo đúng quy định của Luật Doanh nghiệp; Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật Chứng khoán; Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí; Luật Đất đai…

Giai đoạn 2021 – 2025, Việt Nam chủ trương tiếp tục thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, tập trung giữ vững những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư. Củng cố, phát triển một số tập đoàn kinh tế nhà nước có quy mô lớn, hoạt động hiệu quả, có khả năng cạnh tranh khu vực và quốc tế trong một số ngành, lĩnh vực then chốt của nền kinh tế.

Trong giai đoạn này, hệ thống các cơ chế chính sách pháp luật phục vụ quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước đã được ban hành đầy đủ, tiếp tục được nghiên cứu, hoàn thiện, đảm bảo chặt chẽ hơn, công khai minh bạch, tối đa hóa lợi ích của Nhà nước, tháo gỡ khó khăn vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn và hạn chế thất thoát vốn, tài sản nhà nước trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Để triển khai thực hiện cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ ban hành Quyết định số 360/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021-2025”; Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg về “Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025” và Quyết định số 1479/QĐ-TTg phê duyệt kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 – 2025.