Đổi mới tư duy, kiên trì chuyển đổi theo hướng “xanh”, bền vững

Xu thế toàn cầu – lựa chọn tất yếu

Chia sẻ tại tọa đàm “Tăng trưởng xanh – Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức ngày 28/11/2024, Vụ trưởng – Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Lê Việt Anh cho biết, tăng trưởng xanh là một định hướng hết sức quan trọng cho tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam trong những năm tiếp theo. Theo đó Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2021-20230 và tầm nhìn đến năm 2025, đồng thời Chính phủ cũng ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã ban hành hoặc lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp về tăng trưởng xanh trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của mình. Điều đó cho thấy Việt Nam xác định tăng trưởng xanh là một định hướng rất quan trọng cho kinh tế- xã hội trong giai đoạn tiếp theo. Tất cả các bên liên quan đều có trách nhiệm, nghĩa vụ tham gia vào tiến trình tăng trưởng xanh của nền kinh tế quốc gia.

TỔNG THUẬT: Toạ đàm: “Tăng trưởng xanh - Xu thế toàn cầu, sự lựa chọn tất yếu”- Ảnh 1.

Phát triển bền vững không chỉ là xu thế mà còn là một yêu cầu bắt buộc với các doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn ra thị trường thế giới bởi hàng hóa xuất khẩu và các thị trường lớn, khó tính luôn đòi hỏi các chứng chỉ về môi trường, carbon… Do đó doanh nghiệp Việt Nam muốn vươn mình ra thế giới, khẳng định thương hiệu Việt cần phải nhận thức rõ tính tất yếu của quá trình phát triển xanh, bền vững. 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Quách Quang Đông – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương cho hay, hiện nay Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác toàn diện tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Vương quốc Anh và Bắc Ireland (UKVFTA)… Những hiệp định thương mại tự do thế hệ mới này đều có cam kết về tỉ lệ xóa bỏ những thuế quan nhập khẩu đối với những nước tham gia Hiệp định có thể lên đến 100%. Điều này sẽ tạo ra thách thức đối với những nước phát triển trong việc bảo vệ nền sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh về giá thành sản xuất từ các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, vốn có lợi thế về giá nhân công thấp hơn, về chi phí năng lượng thấp hơn cũng như những tiêu chuẩn về môi trường.

Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam  cần quyết liệt đổi mới tư duy, chiến lược để đáp ứng những yêu cầu về phát triển bền vững và tăng trưởng “xanh”.

Để hỗ trợ các chương trình chuyển đổi của các doanh nghiệp theo hướng xanh và bền vững, Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ trực tiếp như chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2019-2030, Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, giai đoạn 2021-2030 cũng như Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050. Các chương trình này nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi theo hướng sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, nguyên nhiên liệu, năng lượng cũng như tiến đến phát thải thấp trong quá trình sản xuất kinh doanh.

“Doanh nghiệp Việt Nam hãy nỗ lực, tích cực và kiên trì đổi mới, chuyển đổi theo hướng “xanh”, bền vững; xây dựng chiến lược phát triển dài hạn, đồng thời tiếp tục đồng hành và hưởng ứng, hỗ trợ những chương trình của Chính phủ và Bộ Công Thương”, ông Quách Quang Đông nói.

Có mặt tại Việt Nam từ năm 1995, Nestlé Việt Nam luôn cam kết đầu tư lâu dài và vì sự phát triển bền vững của Việt Nam với tầm nhìn trở thành “Công ty toàn cầu gắn kết địa phương tiên phong trong phát triển bền vững”. Tập đoàn Nestlé luôn coi trọng những nguyên tắc phát triển bền vững trong các hoạt động sản xuất – kinh doanh gắn liền với thực hiện trách nhiệm xã hội. Ông Binu Jacob, Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam cho biết, trong mọi hoạt động cũng như dự án, Nestlé luôn tính đến tính bền vững trong toàn chuỗi giá trị.  “Một trong những ngành hàng đang hoạt động mạnh nhất hiện nay là cà phê, Chúng tôi luôn bảo đảm cà phê Nestlé thu mua từ người sản xuất ở Việt Nam đều là những loại cà phê có chất lượng cao, được sản xuất một cách bền vững. Thông qua chương trình NESCAFÉ Plan, Nestlé đã hỗ trợ hơn 21.000 hộ nông dân trồng cà phê chuyển đổi sang canh tác theo phương pháp nông nghiệp tái sinh giúp giảm 20% lượng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm 40-60% lượng nước tưới” – Tổng Giám đốc Công ty Nestlé Việt Nam chia sẻ.

Ngoài ra, Nestlé đã có cam kết mạnh mẽ về phát triển bao bì bền vững. Hiện gần 95% bao bì của Nestlé tại Việt Nam đã được thiết kế để có thể tái chế. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng áp dụng các giải pháp năng lượng hiệu quả như năng lượng tái tạo, năng lượng sinh khối, các giải pháp thu hồi nhiệt và sử dụng năng lượng hiệu quả…

Kiên định hướng đi bền vững

Song trên thực tế, với nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan, số lượng các doanh nghiệp, tập đoàn lớn đầu tư hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và tăng trưởng xanh thực sự quan tâm về “chất” chưa nhiều.

Trong tiến trình tăng trưởng xanh, ngoài vai trò hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp của Nhà nước thông qua cơ chế chính sách thì tính chủ động nắm bắt và vươn lên của doanh nghiệp hết sức quan trọng. Đối với nội dung này, phía cơ quan nhà nước xác định rõ những nội dung sẽ tập trung hỗ trợ cho doanh nghiệp. Ông Lê Việt Anh nhận định và cho rằng: Thứ nhất, về cơ chế chính sách, Chính phủ và các cơ quan ban ngành phải nhanh chóng, kịp thời ban hành đầy đủ để hỗ trợ cho phát triển bền vững và tăng trưởng xanh. Thứ hai, phải huy động đủ nguồn lực tài chính để các tiến trình phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đủ nguồn lực để triển khai và hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Thứ ba là tăng cường nâng cao nhận thức cho cả khối doanh nghiệp và người dân, bởi hàng hóa sản xuất cuối cùng đến tay người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng có xu hướng tiêu thụ sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường thì sẽ tạo ra động lực rất mạnh để doanh nghiệp tiếp tục quá trình sản xuất kinh doanh của mình.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Quách Quang Đông cũng cho rằng, về cơ chế, chính sách, chúng ta cần có những nhận định, phân tích, đánh giá, đồng thời phải có sự ghi nhận, cổ vũ và hỗ trợ để tăng cường nhận thức và định hướng cho việc tiêu dùng và sản xuất bền vững, hướng tới hàng hoá, dịch vụ xanh, sạch. Cần tạo động lực cho doanh nghiệp đi đầu, tiên phong, giữ những vị trí đầu tàu, dẫn dắt, từ đó lan toả để thu hút các doanh nghiệp khác đi theo.

Để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ, các bộ, ngành cần bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách đáp ứng với bối cảnh, tình hình mới của thế giới, đồng thời bảo vệ những lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển và hạn chế rủi ro. Tăng cường hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành cũng như giữa Trung ương và địa phương.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, hiện nay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ, để phát triển theo hướng xanh, bền vững thì việc thay đổi, chuyển đổi cũng như nâng cao, cải thiện dây chuyền công nghệ sản xuất là rất cần thiết. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi chi phí đầu tư lớn, do đó để hỗ trợ các doanh nghiệp, Chính phủ cần phát huy, hỗ trợ để khai thác tối đa nguồn lực trong nước và quốc tế, trong đó có những nguồn tài chính mới như tài chính xanh hoặc thị trường carbon để thêm nguồn lực hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

Hơn nữa, ông Đông cũng cho rằng, tầm nhìn và chiến lược của một bộ phận không nhỏ doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn còn hạn chế, vẫn mang tính thời vụ, ngắn hạn và trước mắt. Do đó để chuyển đổi theo hướng xanh, bền vững, vươn mình ra thế giới, đòi hỏi các doanh nghiệp phải có tầm nhìn chiến lược, dài hạn, bảo đảm lợi ích lâu dài, bảo đảm tính cạnh tranh trong bối cảnh toàn cầu hoá và đáp ứng xu thế chung của toàn cầu. Nếu chúng ta không thực hiện điều này thì việc chuyển đổi sẽ trở thành xa vời.