Sau Hiệp định CPTPP, việc Việt Nam tham gia ký kết Hiệp định EVFTA góp phần thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng, trên cơ sở đôi bên cùng có lợi với một số nền kinh tế phát triển nhất thế giới. Điều đặc biệt, Việt Nam là nước thứ hai trong ASEAN và là nước đang phát triển đầu tiên trong khu vực ký kết FTA với EU. Đây là kết quả của chặng đường dài, thể hiện các bước tiến lớn để đưa nước ta từ một nước đi sau, lần đầu tiên vươn lên thuộc nhóm nước đi đầu trong khu vực trong tiến trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
Hiệp định EVFTA là Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới quan trọng mà Việt Nam tham gia. Hiệp định mở ra một cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam nếu các doanh nghiệp có sự chuẩn bị tốt, sẵn sàng tâm thế đón đầu cho lợi ích mà Hiệp định mang lại.
Điểm nhấn quan trọng của EVFTA nằm ở các cam kết về cạnh tranh
Điểm nhấn quan trọng của EVFTA nằm ở các cam kết về cạnh tranh. Những quy định này được thiết kế không chỉ để tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh và công bằng mà còn là công cụ hỗ trợ đắc lực để doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng cơ hội tiếp cận thị trường châu Âu. Việc tham gia EVFTA đòi hỏi Việt Nam phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về cải cách thể chế, minh bạch hóa và tuân thủ các quy định pháp luật quốc tế. Đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam thực sự nâng tầm năng lực cạnh tranh.
Theo Uỷ ban Cạnh tranh Quốc gia, trong EVFTA, Việt Nam và EU cam kết duy trì hệ thống pháp luật cạnh tranh nhằm trực tiếp điều tra xử lý các hành vi hạn chế cạnh tranh, qua đó gián tiếp bảo vệ lợi ích cộng đồng và quyền lợi của người tiêu dùng cũng như thị trường nội địa, đáp ứng các yêu cầu sau đây:
– Các quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh phải bao gồm ít nhất các quy định về hành vi thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường và kiểm soát tập trung kinh tế có khả năng hoặc gây tác động hạn chế cạnh tranh;
– Các chủ thể thực thi pháp luật cạnh tranh phải có đủ công cụ và thẩm quyền để xử lý hiệu quả các hành vi hạn chế cạnh tranh;
– Tất cả các tổ chức, cá nhân và các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, không phân biệt vốn Nhà nước hay tư nhân và vốn đầu tư nước ngoài đều phải tuân thủ pháp luật cạnh tranh;
– Pháp luật cạnh tranh phải được áp dụng một cách minh bạch và không phân biệt đối xử. Tuy nhiên, EVFTA vẫn ghi nhận quyền tự chủ của mỗi Bên trong việc xây dựng và thi hành pháp luật về cạnh tranh. Đồng thời, EVFTA cũng ghi nhận ngoại lệ không áp dụng các chính sách, pháp luật cạnh tranh đối với các hoạt động vì lợi ích công cộng của các doanh nghiệp, miễn là các hoạt động này không vượt quá mục tiêu công cộng đặt ra và được thực hiện một cách minh bạch.
Trên thực tế, pháp luật cạnh tranh Việt Nam hiện hành về nguyên tắc đã thỏa mãn tất cả các cam kết về cạnh tranh nói trên của EVFTA. Theo đó, các tổ chức, cá nhân hiện đang và sẽ tham gia vào các hoạt động có phạm vi liên quan đến Hiệp định EVFTA cần đặc biệt lưu ý quy định về pháp luật cạnh tranh Việt Nam.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cam kết cạnh tranh trong Hiệp định EVFTA, ngày 28/11, tại TP.Vũng Tàu, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam – Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức Hội thảo tuyên truyền pháp luật và chính sách cạnh tranh trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Hội thảo thu hút được sự quan tâm của đông đảo doanh nghiệp, nhà nghiên cứu và các cơ quan quản lý…
Toàn cảnh Hội thảo tuyên truyền pháp luật và chính sách cạnh tranh trong EVFTA (Ảnh: Báo Bà Rịa-Vũng Tàu)
Phát biểu tại Hội thảo, bà Hoàng Thị Thu Trang, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh – Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, Liên minh châu Âu là đối tác thương mại lớn thứ ba của Việt Nam, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc. Con số ấn tượng được chứng minh qua kim ngạch thương mại song phương năm 2023 là gần 50 tỷ USD, thể hiện tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai bên.
EVFTA là Hiệp định đa phương mang lại cơ hội và thách thức cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh của Việt Nam cũng như của EU, cụ thể ở đây là các doanh nghiệp. Theo đó, các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam không chỉ kinh doanh, buôn bán hàng hóa sang lãnh thổ các nước trong EU mà ở chiều ngược lại các tổ chức, cá nhân tại EU cũng có thể tìm kiếm các cơ hội hợp tác, phát triển mở rộng thương mại tại Việt Nam. Bởi vậy, việc nắm chắc pháp luật cạnh tranh Việt Nam sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác của mình không bị thua thiệt ngay trên chính phần sân nhà.
Trong số các nội dung chính của pháp luật về cạnh tranh, tại Hội thảo, Ban tổ chức đã lựa chọn các quy định có liên quan và phù hợp với thực tiễn kinh doanh của các doanh nghiệp tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Các nội dung được tập trung phân tích bao gồm: quy định về kiểm soát tập trung kinh tế; các quy tắc về cạnh tranh không lành mạnh; so sánh và phân tích đặc thù pháp luật cạnh tranh giữa Việt Nam và các quốc gia EU; phân tích các trường hợp điển hình và khuyến nghị cụ thể…
Chia sẻ cảm nhận từ góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm – Đại diện Tập đoàn Nuskin Việt Nam tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, Hội thảo này đã giúp các doanh nghiệp hiểu sâu hơn về EVFTA. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng đã nắm bắt được những lợi ích và nhận thức rõ các rủi ro pháp lý có thể gặp phải khi tham gia thị trường quốc tế.
Luật Cạnh tranh sửa đổi, bổ sung được ban hành tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV ngày 12 tháng 06 năm 2018, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 07 năm 2019. Luật Cạnh tranh gồm 10 Chương, 118 Điều. |