Củng cố “sức mạnh nội tại” để doanh nghiệp hiện thực hóa mục tiêu phát triển bền vững

Trong đó, Top 10 Doanh nghiệp bền vững ở hai lĩnh vực này ghi nhận tỷ lệ 50% doanh nghiệp trong nước và 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Điều này thể hiện các doanh nghiệp nội địa đã có bước tiến bộ vượt bậc và cuộc chơi phát triển bền vững không còn chỉ là của các doanh nghiệp FDI có nền tảng quản trị tốt. Ngoài việc biểu dương hạng mục chính Doanh nghiệp bền vững, chương trình cũng đánh giá, lựa chọn ra các doanh nghiệp tiên phong, thực hiện tốt trong hạng mục chuyên đề là kinh tế tuần hoàn và cắt giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng, thực hiện giá trị đa dạng, công bằng và bao trùm.

Theo thông tin từ đơn vị tổ chức CSI, năm 2024, chương trình CSI thu hút gần 500 doanh nghiệp trên cả nước, từ các loại hình và quy mô doanh nghiệp khác nhau nộp hồ sơ, qua đó đã lựa chọn được 142 hồ sơ để chấm chính thức. Đặc biệt, năm nay, tỷ lệ doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp mới tham gia lần đầu cũng ghi nhận mức tăng trưởng vượt trội so với 3 năm gần đây, lần lượt ở mức 62% và 35%. Con số này cho thấy mức độ quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp đến phát triển bền vững đã có sự cải thiện đáng kể, đây là một tín hiệu đáng mừng phản ánh sự chuyển đổi trong nhận thức và hành động của doanh nghiệp Việt Nam hướng tới việc chuyển đổi và thực hành kinh doanh bền vững.

Phát biểu khai mạc Lễ công bố, Chủ tịch VCCI, Trưởng Ban chỉ đạo CSI 2024 Phạm Tấn Công khẳng định, kết quả khảo sát của VCCI với những doanh nghiệp đạt danh hiệu Doanh nghiệp bền vững của Chương trình CSI trong gần một thập kỷ qua đã chứng minh rằng, những doanh nghiệp kiên trì thực hiện mô hình sản xuất kinh doanh, bền vững có thể tăng sức chống chịu, thích ứng trước các thách thức và nắm bắt các cơ hội đang được mở ra từ quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Tấn Công, dù đã nỗ lực không ngừng trong việc thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 của Liên Hợp Quốc, nhưng đến nay, hơn 30% trong số các mục tiêu này vẫn chưa có tiến triển, thậm chí có những mục tiêu còn thụt lùi so mức cơ sở của năm 2015. Tình trạng mất an ninh lương thực đang đe dọa hơn 2 tỷ người trên toàn cầu, trong khi diện tích rừng nguyên sinh nhiệt đới mất đi hàng năm lên tới 3,7 triệu ha, tương đương 10 sân bóng đá mỗi phút. Đây là những con số đáng báo động, và Việt Nam không đứng ngoài sự ảnh hưởng của những biến đổi này.

Đặc biệt, năm 2024 là một năm đầy thách thức đối với các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam nói chung và đối với cộng đồng doanh nghiệp nói riêng”, các “cơn bão thiên nhiên” do biến đổi khí hậu và những “cơn bão bất ổn khủng hoảng tài chính, kinh tế, chiến tranh, xung đột khu vực” đang gây tác động lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

Chủ tịch VCCI cho rằng, những “cơn bão tố” này cũng đã làm nổi bật một thực tế mới: Các doanh nghiệp kiên trì thực hiện mô hình sản xuất-kinh doanh bền vững sẽ có khả năng tăng sức chống chịu, thích ứng các thách thức và nắm bắt cơ hội từ quá trình chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Trong bối cảnh thế giới đang chuyển biến nhanh chóng và khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, Việt Nam cần phải nhanh chóng nắm bắt xu hướng phát triển bền vững, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số. Những thay đổi về địa chính trị, kinh tế, thương mại, cùng với xu hướng phát triển toàn cầu, đặc biệt là Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, đang tạo ra những thách thức mới. Để phát triển bền vững, các doanh nhân và doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức và đóng góp vào sự phát triển nhanh chóng và bền vững của đất nước.

Cũng tại Lễ công bố, ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam, Phó Trưởng ban chỉ đạo Chương trình CSI 2024 đã một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của việc củng cố năng lực quản trị công ty bền vững, từ đó góp phần nâng cao “sức mạnh nội tại” để doanh nghiệp có thể hiện thực hóa các chiến lược phát triển bền vững tích hợp trong chiến lược sản xuất-kinh doanh của mình, giúp cải thiện năng lực cạnh tranh và sức chống chịu của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay.

“Luôn đổi mới sáng tạo để mang đến những giá trị gia tăng mới trong từng hoạt động, sự ghi nhận và đánh giá cao của cộng đồng doanh nghiệp chính là động lực để chúng tôi tiếp tục những nỗ lực thúc đẩy doanh nghiệp kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm nói chung, cũng như duy trì và nâng tầm Chương trình CSI nói riêng trong tương lai tới đây”, ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh.