Chuyển đổi xanh, sản xuất bền vững là yếu tố then chốt để ngành dệt may duy trì vị thế cạnh tranh

Theo thông tin từ Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành ước tính đạt khoảng 44 tỷ USD, với tăng trưởng ổn định so với năm 2023. Việt Nam hiện là một trong những nhà xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới, chủ yếu xuất khẩu sang các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Dệt may là một trong những ngành hàng xuất khẩu chủ lực, đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm, thúc đẩy lối sống văn hóa tiêu dùng mới, phát triển chuỗi giá trị toàn cầu. Trong thời gian qua, ngành dệt may  tại Việt Nam đã có nhiều đóng góp ý nghĩa đối với nền kinh tế của đất nước. 

Tuy nhiên ngành này cũng phải đối phải đối mặt với các áp lực cạnh tranh, thách thức về sử dụng tài nguyên, năng lượng, vấn đề ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Xu hướng phát triển công nghiệp xanh đang là mục tiêu hàng đầu của các doanh nghiệp toàn cầu, trong đó có ngành dệt may Việt Nam. Với sự cam kết hạn chế phát thải CO2 và hóa chất độc hại, đồng thời phát triển các nguồn năng lượng mới, năng lượng sạch, ngành công nghiệp này đang hướng đến một tương lai bền vững hơn. Theo khảo sát của tập đoàn McKinsey, về dài hạn, 65% người tiêu dùng chuyển từ thời trang nhanh sang thời trang cơ bản và lâu bền; 67% quan tâm đến tính bền vững môi trường và xã hội của các nhãn hàng thời trang. Sức ép từ người tiêu dùng sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất cam kết cải thiện tính bền vững trong suốt chuỗi cung ứng.

Chia sẻ tại Hội nghị tổng kết năm 2024 của Vista, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, cho biết mặc dù ngành dệt may hiện tại chưa bị bắt buộc phải tuân thủ các quy định về giảm phát thải khí nhà kính, nhưng trong xu thế “xanh hóa” toàn cầu và hướng tới mục tiêu Netzero, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ ràng rằng việc chủ động xanh hóa là điều cần thiết. Ông nhấn mạnh rằng việc chủ động xanh hóa không chỉ giúp các doanh nghiệp thích ứng với các chính sách mua hàng từ các nhà nhập khẩu, mà còn giúp nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may đạt 47- 48 tỷ USD. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đặc biệt trong bối cảnh các yêu cầu về tính bền vững và trách nhiệm xã hội ngày càng trở nên quan trọng đối với các thị trường quốc tế. Để hiện thực hóa mục tiêu này, cũng như mục tiêu chuyển đổi xanh ngành Dệt may Việt Nam. Song ngành dệt may đang vướng phải một số rào cản cần tháo gỡ.  

Một là, rào cản liên quan đến chính sách thương mại của một số quốc gia và các thị trường nhập khẩu lớn. Trong bối cảnh hội nhập và phát triển, dự báo sẽ có nhiều biến động trong thời gian tới, điều này có thể tác động lớn đến ngành Dệt may Việt Nam. Hai là, vấn đề thiếu hụt nguồn cung phục vụ cho sản xuất. Để chuyển đổi xanh, ngành Dệt may cần đầu tư vào các dòng sản phẩm mới, phù hợp với xu hướng xanh hóa của ngành thời trang toàn cầu, như sợi tái chế, sản phẩm thân thiện với môi trường, và đáp ứng các yêu cầu của các nhãn hàng quốc tế. Ba là, vấn đề tài chính cho việc xanh hóa ngành Dệt may. Các doanh nghiệp Dệt may đang rất cần những chính sách hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn để có thể chủ động đầu tư và đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Bốn là, vấn đề nhận thức của doanh nghiệp trong việc chủ động đầu tư vào các giải pháp xanh và thực hiện các bước cần thiết để được cấp các chứng chỉ xanh, từ đó nâng cao uy tín và vị thế của ngành dệt may Việt Nam trong quá trình phát triển bền vững. Năm là, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, cơ quan, bộ ngành và cộng đồng về sự phát triển xanh. Cần tăng cường truyền thông và giáo dục để nâng cao nhận thức chung về tầm quan trọng của phát triển bền vững và xanh hóa trong ngành Dệt may.

Gần đây, nhiều doanh nghiệp dệt may đã dịch chuyển từ Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong sang Việt Nam. Đây là cơ hội để ngành dệt may Việt Nam thay đổi theo hướng xanh, sạch. Việt Nam đã cam kết thực hiện đầy đủ 17 mục tiêu về phát triển bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 toàn cầu và các cam kết tại COP26. Chất lượng và yếu tố môi trường của sản phẩm ngày càng được nhấn mạnh và trở thành tiêu chuẩn để lựa chọn nhà cung cấp.

Trong bối cảnh thế giới đang dần hướng đến những sản phẩm thân thiện với môi trường, các nhà sản xuất Dệt may Việt Nam cũng không ngừng cải tiến quy trình sản xuất, tích hợp các công nghệ xanh để nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Các sản phẩm vải organic, vải tái chế và các quy trình nhuộm không sử dụng hóa chất độc hại đang được nhiều doanh nghiệp trong ngành áp dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường quốc tế về sản phẩm xanh.

Theo đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), chuyển đổi xanh là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược phát triển của ngành Dệt may trong giai đoạn tới. Hiệp hội cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu đang ngày càng chú trọng đến bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, ngành Dệt may Việt Nam cần đẩy mạnh áp dụng các tiêu chuẩn về sản xuất xanh, từ việc sử dụng nguyên liệu bền vững cho đến cải thiện quy trình sản xuất.

Các chuyên gia cũng cho rằng, đối với phần lớn các doanh nghiệp dệt may tham gia vào hoạt động gia công xuất khẩu, việc chuyển đổi quy trình sản xuất nhằm giảm phát thải và hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời sản xuất các sản phẩm xanh, trở thành yếu tố then chốt trong việc cạnh tranh và thu hút đơn hàng. Sự gia tăng nhận thức của thị trường về vấn đề bền vững đã khiến các khách hàng ngày càng ưu tiên lựa chọn nhà cung cấp có cam kết bảo vệ môi trường.

Đối với những doanh nghiệp có kế hoạch tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chẳng hạn như thiết kế mẫu mã hoặc tự cung ứng nguyên phụ liệu, yêu cầu thực hiện chuyển đổi xanh càng trở nên cấp thiết. Ngoài việc nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, việc phát triển thương hiệu riêng đóng vai trò chủ chốt trong chiến lược xuất khẩu sang thị trường khó tính.

Chuyển đổi xanh không chỉ là một yêu cầu bắt buộc mà còn là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp duy trì và mở rộng thị trường trong tương lai. Bằng việc áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến và phương pháp quản lý hiệu quả, doanh nghiệp không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường mà còn góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.